Close
Free HTML5 Bootstrap Template

About Me

Francisco Assisi. Maria
Nguyễn Yên CRM

Tận Hiến Cho Mẹ XI

Tận Hiến Thế Nào?

135. Ta phải lệ thuộc thế nào cho tuyệt đối?

Muốn tuyệt đối lệ thuộc vào Mẹ, đòi ta cần phải thể hiện sự bé dại non nớt ít là ở hai khía cạnh. Thứ nhất là ở khía cạnh trí năng: ta phải ý thức rõ ràng và chấp nhận mình phải tuyệt đối lệ thuộc ở Mẹ. Con trẻ thơ dại chỉ lệ thuộc người mẹ một cách tư nhiên, nó không có ý thức gì, không có tự do nào. Em nhỏ lúc đó còn như mới sống đời thực vật, chỉ mới có cơ năng dinh duỡng và tăng trưởng, không cảm biết chút gì về sự lệ thuộc của em. Dần dà lớn lên, em cứ theo đà phát triển về trí năng và ý chí mà có thểkhông còn muốn lệ thuộc vào mẹ em nữa, có khi còn nổi loạn phản đối Mẹ. Nhưng trong đường thiêng liêng, ta phải noi gương Chúa Giêsu, ý thức rõ ràng tình trạng yếu đuối dại khờ của ta, mà thú nhận và chấp nhận ta phải tuyệt đối lệ thuộc vào Mẹ Maria y như và còn hơn con trẻ sơ sinh lệ thuộc mẹ mình, dầu cho bản năng và trí năng tự nhiên có chống lại, có phản đối.
Thứ hai là khía cạnh ý chí: Ý chí là động lực thúc đẩy và là sức mạnh để ta chế ngự bản năng tự nhiên muốn to muốn lớn của ta, theo ánh sáng của trí năng và nhất là của đức tin soi dẫn. Về phương diện này, ý chí của ta phải ngoan ngoãn theo trí năng hướng dẫn, đức tin chỉ huy và ơn Chúa soi sáng thúc giục mà nỗ lực thực thi và sống những đức tính của đường lối thơ ấu thiêng liêng: đó là khiêm nhường thật thẳm sâu; trong sạch không tì vết; đơn sơ rất giản dị. Thêm vào đó, ta còn phải tập luyện và chiếm thủ cho bằng được sự bình an tâm hồn trước hết mọi nghịch cảnh; sự quân bình phẳng lặng và thuận hòa trong cuộc sống giao tế gia đình, thân tộc, bè bạn, láng giềng; sự ngoan ngùy dễ dậy đối với giới luật Phúc Âm, các kỷ luật và lời khuyên của Hội Thánh; sự tin cậy tuyệt đối vào Mẹ và Chúa như đã nói trên (số 129-131); và sự phó thác hoàn toàn cho Chúa Quan Phòng trong hết mọi biến cố chung riêng gặp trong đời sống. Sự lệ thuộc tuyệt đối thơ dại có ý thức và tự do này đối với Mẹ Maria là một hành vi hết sức đẹp lòng Thiên Chúa, như lời Thánh Kinh: "Từ miệng trẻ thơ chưa biết nói, còn phải sống nhờ vú mẹ, Thiên Chúa được ca tụng nhất" (Tv 8:3), và có lợi cho ta nhất: "Ai hạ mình xuống như trẻ này sẽ là người lớn nhất trên Nước Trời" (Mt 18:4).

136. Tính chất việc thực thi sự lệ thuộc ấy thế nào?

Vấn đề này chỉ xin nói rất sơ lược: nếu đi vào chi tiết thì dài quá. Nói cho gọn, ta phải liên tục, trọn vẹn và phổ quát lệ thuộc vào Thiên Chúa nhờ Trái Tim Mẹ.
Lệ thuộc liên tục có nghĩa là không đứt quãng trong thời gian: luôn luôn phải thể hiện cái "bây giờ" (số 83) của việc tận hiến. Không một phút giây nào ta rời xa bàn tay bênh đỡ phù trì của Mẹ. Làm việc gì cũng phải xin phép Mẹ, nghĩa là dành ra một ít giây phút, hoặc lâu hơn nữa, để suy xét và nhớ đến Mẹ, tự hỏi xem nếu ở trường hợp đó, Mẹ sẽ cư xử thế nào. Mẹ có cho phép mới được làm: nghĩa là ít nhất điều đó không trái tiếng lương tâm, không nghịch với luật Phúc Âm và luật Hội Thánh, mới được làm . . .
Lệ thuộc trọn vẹn có nghĩa là lệ thuộc hoàn hảo, không một thiếu hụt, một sứt mẻ nào. Bao giờ ta cũng phải chăm chú lệ thuộc vào Trái Tim Mẹ bằng toàn bộ trí năng, toàn bộ ý chí, và toàn bộ hữu thể của mình. Không cắt xén chút gì, cũng không bẻ lệch đi phía nào, cứ nhắm thẳng thánh Ý Chúa biểu lộ qua ý muốn của Mẹ . . .
Lệ thuộc phổ quát là lệ thuộc không trừ ở một nơi nào, một việc gì, một biến cố nào, dầu ảnh hưởng bao quát đến cả thế giới, cả Hội Thánh, cả quốc gia, dầu nhỏ bé chỉ liên hệ đến gia đình mình, bản thân mình . . .
Đó là ba tính cách không có không được của sự lệ thuộc vào Mẹ, để nhờ Mẹ lệ thuộc vào Chúa Giêsu. Có lệ thuộc như vậy ta mới sống được một đời thơ dại hoàn toàn, đáng Chúa ban nhiều ơn thánh, để luôn luôn phó thác tận tuyệt trong tay êm mát của Mẹ. Nhờ thế lúc nào ta cũng vui tươi hồn nhiên, không lo quá khứ, không sợ hiện tại, cũng chẳng màng chi tới tương lai. Vì ta đã nắm chắc rằng quá khứ của ta ở trong Tình Thương của Chúa, hiện tại của ta ở trong Tình Chúa yêu ta và tình ta yêu Chúa, còn tương lai của ta thì ở trong sự Quan Phòng đầy khôn ngoan từ ái của Chúa.
Đó là một phó thác hoàn toàn vô điều kiện mà ta có thể lấy Bánh Thánh Thể làm mẫu gương. Thật vậy, không có mẫu gương phó thác nào hoàn hảo hơn Bánh Thánh là Chúa Giêsu Thánh Thể. Ta hãy xem Bánh Thánh không một mảy may phản ứng, không một mảy may ngang ngạnh nào, cứ để mặc cho người ta chạm tới, cầm lấy, mang đi và cho đi một cách phó thác biết bao! Để mặc cho người ta giấu kín trong Nhà Tạm cũng như đặt trong Mặt Nhật tỏa sáng biết bao! Và cũng (ôi mầu nhiệm!) để mặc cho những tâm hồn bội bạc tục hóa nữa! Đúng thế, Bánh Thánh Thể thực sự chỉhoàn toàn để mặc người ta, chỉ là mềm mỏng, với một tinh thần tuân phục ngoan thảo hoàn toàn. Vì qua mọi trung gian của bàn tay loài người, Bánh Thánh chỉ phó mặc tay Cha trên trời: Bánh Thánh trao mặc số phận mình vào tay Cha. Linh hồn tận hiến cho Trái Tim Mẹ để nhờ Mẹ, mặc bàn tay Cha trên trời sử dụng như vậy. Có như thế mới là lệ thuộc vào Trái Tim Mẹ, vào Cha trên trời hoàn toàn, tận tuyệt.

137. Phải thực hiện sự lệ thuộc ấy thế nào?

Muốn thực hiện sự lệ thuộc Mẹ đúng với ba tính cách trên, ta phải sẵn sàng và ngoan ngoãn thưa lên những lời "Này con", "Xin Vâng". "Ngợi khen", những lời mà chính Mẹ Maria ngày xưa đã tự nguyện thốt ra từ tận đáy lòng Mẹ, từ tận Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, để chứng tỏ tình Mẹ lệ thuộc tuyệt đối vào Thiên Chúa.
"Này con: Ecce" là lúc nào cũng nhớ thân phận mình là người con tận hiến của Mẹ, là sở hữu của Mẹ. Mẹ muốn sử dụng ta vào việc gì, Mẹ muốn đưa ta vào cảnh vực nào, Mẹ muốn ta chịu một hi sinh đau khổ nào . . . , ta đều thưa ngay lời "Này con" chìm ngập trong vực thẳm tình yêu của Mẹ, với ý hướng của Mẹ, y như Chúa Giêsu ngày xưa đã thưa lên với Chúa Cha lời "Này con đến để thực thi Thánh Ý Cha" (Dt 10:9): thực thi trọn vẹn Thánh Ý Cha trong máu lệ chan hòa và trên khổ giá nhục nhã để cứu chuộc loài người. Và y như Mẹ Maria đã thưa lên lời "Này con là nữ tỳ Chúa" (Lc 1:38): nữ tì nhu hạ, sẵn sàng hiến mình đồng công trong việc cứu chuộc thế gian.
"Xin Vâng: Fiat" trong mọi hoàn cảnh với tất cả tâm tình tùng phục Thánh Ý Chúa, dầu gian nan khốn khổ, dầu vui sướng ngọt ngào, dầu buồn bã ủ ê, dầu thảnh thơi hoan lạc . . . Đừng vì việc xảy ra trái bản năng ta, ý nghĩ ta, ý muốn ta mà phản kháng Thánh Ý Chúa. "Xin Vâng" phải là lời thưa luôn sẵn có trong trái tim ta, để rồi vui thốt ra ngoài môi miệng: nguyện cho Thánh Ý Chúa, ý muốn của Mẹ nên trọn từng nét, chứ đừng cho việc này việc nọ xảy ra theo ý muốn của ta, như Chúa Giêsu đã "Xin Vâng" trong cơn hấp hối toát mồ hôi máu trong vườn cây dầu (Lc 22:42). Và như Mẹ Maria đã "xin vâng" trong ngày Truyền Tin, dầu biết mình thưa lên lời đó là phải chu toàn sứ mạng đồng công não nề khổ thống. Đó là những lời "xin vâng" đầy tràn những đợt sóng tình yêu cứu chuộc.
"Ngợi khen: Magnificat" là lời biểu lộ tâm tình cảm tạ Chúa và Mẹ vì đã để xảy ra việc này việc nọ, biến cố này biến cố kia, làm sáng danh Chúa và Mẹ, mưu ích cho loài người. Đó là lời "ngợi khen" vọt mạnh về nguồn Tình Yêu. Phận con nhỏ dại của ta xin tình nguyện mờ đi, lụt đi, để một mình vinh quang Chúa và Mẹ ngời sáng, đúng như lời Thánh Vịnh: "Xin đừng làm vinh danh chúng con, nhưng xin làm vinh danh Chúa" (Tv 115:1). Như Mẹ Maria dầu đang cưu mang Con Thiên Chúa trong lòng, và được bà Isave ca ngợi là Mẹ Thiên Chúa, Mẹ cũng chỉ vang lên lời "Ngợi Khen" với tư cách là một nữ tì khiêm hạ được Thiên Chúa đoái nhìn (Lc 1:46).
Ta hãy thành tâm đốt thơm hương lòng khẩn thiết cầu xin cho mọi lúc "bây giờ" liên lỉ trong đời ta được đan kết bằng lời "Này con" mau mắn; lời "xin vâng" phục mệnh; và lời "ngợi khen" trầm hùng, thành nên một khúc hợp tấu hòa nhịp với lời "Này con, xin vâng, ngợi khen" của Chúa Giêsu và Mẹ Maria. Nếu thực hiện được như thế, ta sẽ làm vinh danh Chúa rất nhiều, mưu ích cho tha nhân rất tốt, việc tông đồ của ta thật kết quả, và bản thân ta được chìm sâu xuống đại dương tình hiền mẫu Maria. Vì bản thân ta càng mờ xóa đi bao nhiêu, thì Chúa và Mẹ càng vinh danh bấy nhiêu, việc tông đồ và tha nhân càng được ích lợi bấy nhiêu.
Để thực hiện cụ thể sự lệ thuộc Mẹ này, ta hãy sống "phút giây của Mẹ". Phút giây ấy hệ tại bốn hành vi sau đây, trước khi ta làm bất cứ việc gì:
1. Hạ mình khiêm nhượng trước mặt Chúa và Mẹ vì ta tội lỗi, bất xứng và bất lực đối với mọi việc lành.
2. Từ bỏ tất cả những gì là quan điểm của ta, ý riêng của ta.
3. Dâng mình hoàn toàn cho Mẹ như một dụng cụ ngoan ngãn, một sở hữu của Mẹ, để Mẹ sử dụng tùy ý Mẹ.
4. Khiêm nhượng xin Mẹ hành động trong ta, để việc ta làm chỉ cốt sáng danh một mình Chúa.
Có thể tóm bốn hành vi trên vào lời nguyện tắt này: "Ôi Maria, con rất hèn hạ khốn nạn; con xin từ bỏ mình con và phó thác cho Mẹ hoàn toàn; xin Mẹ (làm việc này) thay con, cho sáng danh Chúa".
5. Noi theo gương Mẹ

138. Vì lý do nào ta phải noi theo gương Mẹ?

Ta đã biết: Mẹ Maria là Gương Mẫu đường trọn lành (số 35-39), một gương mẫu Chúa muốn ta noi theo trên đường sống đạo thánh Chúa của ta, vì Mẹ Maria là bản sao sống động Chúa Giêsu Con Chí Thánh Mẹ hơn hết mọi bậc thần thánh. Quả thật, noi gương Mẹ là một cách tỏ lòng tôn trọng tế nhị nhất ta có thể dâng kính Mẹ, vì không những ta tung hô Mẹ là gương mẫu trọn lành ở lời nói, mà còn ở cả việc ta làm nữa. Càng sát lại gần Mẹ bao nhiêu, ta càng sát lại gần Chúa Giêsu bấy nhiêu. Cho nên ta phải hết sức học tập các nhân đức của Mẹ, suy niệm và cố gắng đem ra thực hành. Để thể hiện việc đó cho có nhiều kết quả tốt đẹp, cha Olier và thánh Môngpho cao tiếng mời gọi ta hãy cố gắng chu toàn tất cả và từng việc ta làm nhờ Mẹ, với Mẹ, trong Mẹ, và cho Mẹ Maria.

139. Chu toàn mọi công việc nhờ Mẹ như thế nào?

Làm mọi việc nhờ Mẹ, trước hết là làm do Mẹ thúc giục và do sức mạnh ân sủng Mẹ ban cho ta. Nghĩa là vâng lời Mẹ trong mọi sự và để mặc tinh thần Mẹ hướng dẫn. Thứ đến, làm mọi việc nhờ Mẹ là xin Mẹ làm trung gian để ta đến với Chúa Giêsu và hợp nhất với Chúa. Là nhờ tay Mẹ, nương cậy vào sự cầu bầu của Mẹ mà dâng lễ vật của ta lên Chúa. Là chạy ào vào lòng Mẹ, nhõng nhẽo nài xin Mẹ phù trợ. Là vào học trong học đường của Mẹ để nhậnbiết và yêu mến Chúa Giêsu hơn. Sau cùng là nhờ Mẹ xin cho ta các ân sủng cần thiết để noi gương Mẹ, sống cuộc đời đồng công của Mẹ nhằm cứu rỗi các linh hồn.
Một điều cần nhớ là ta hành động nhờ Mẹ, chỉ nhằm mục đích là làm hoàn hảo mọi việc trong đời ta nhờ Chúa Giêsu (per Christum Dominum nostrum) thôi, như Hội Thánh quen cầu xin.

140. Phải hành động với Mẹ là thế nào?

Điều kiện tiên quyết để hành động với Mẹ là phải liên lỉ kết hợp với Mẹ; luôn ở bên Mẹ, luôn sán lại gần Mẹ. Sau khi đã nhờ ơn Mẹ thúc giục mà hành động, ta còn cần phải luôn sống dưới sự hướng dẫn của Mẹ và trong tầm ảnh hưởng của Mẹ, luôn nhìn lên Mẹ, xin Mẹ chỉ dẫn. Cũng cần phải nhờ tay hiền mẫu của Mẹ nâng đỡ giúp sức và, nếu cần, còn nâng ta dậy. Đó là một thực hành cần thiết để hành động với Chúa Giêsu Kitô, Đấng là Sức Mạnh của ta. Mọi nơi mọi lúc, ta phải cộng tác với Mẹ, hợp nhất với Mẹ, hòa hợp tư tưởng, ý chí và hành vi với Mẹ nhằm hòa hợp với Chúa Kitô.
Hành động với Mẹ còn là nhìn nhận Mẹ là gương mẫu và là Đấng Cộng Tác với ta. Mỗi lần bắt đầu làm việc gì, ta hãy hồi tâm tự hỏi xem nếu ở trường hợp của ta, Mẹ sẽ làm thế nào; và khiêm nhượng cầu xin Mẹ giúp ta hòa hợp việc ta làm với ý muốn của Mẹ, nghĩa là ta tuyệt đối lệ thuộc Mẹ vậy (số 136).
Đó chính là theo sát giáo lý Hội Thánh dạy rằng hành động của ân sủng có hai giai đoạn: thúc đẩy ban đầu, rồi cộng tác với ta khi hành động. Cho nên hành động nhờ Mẹ và với Mẹ là ta bám sát lời Hội Thánh dạy ta. Phần ta, ta hãy tin thật rằng: "Với Mẹ, không gì là khó, không gì lo ngại; với Mẹ, dẫu ít cũng ra nhiều, hư vô cũng nên giàu có; với Mẹ, dẫu yếu đuối cũng sẽ thắng hỏa ngục, dẫu tội lỗi khuyết điểm tràn trề cũng sẽ tới bậc trọn lành cao chót; với Mẹ, mọi nguyện vọng chính đáng đều được thoả mãn".

141. Còn hành động trong Mẹ thì sao?

Hành động trong Mẹ cũng là lệ thuộc vào Mẹ, đi vào quĩ đạo của Mẹ, nhằm theo quan điểm của Mẹ, gắng nhìn ý hướng của Mẹ mà làm mọi việc để phục vụ vinh quang Chúa như Mẹ đã làm. Mặt khác, hành động ở đâu thì tác nhân cũng ở đó, nếu không ở đó theo bản thể thì cũng theo năng lực hay ảnh hưởng. Mẹ Maria không ở trong ta theo bản thể, song theo năng lực và ảnh hưởng. Vì thế, hành động trong Mẹ ở đây có nghĩa là ta được đặt vào ảnh hưởng của Mẹ, dưới ánh nhìn của Mẹ, bằng năng lực của Mẹ; được lời cầu xin của Mẹ theo dõi và ơn của Mẹ phù trì. Tất nhiên là khi hành động trong Mẹ, ta cũng phải nhằm theo chủ đích là hành động trong Chúa Kitô, được Chúa Kitô lôi kéo ta vào quĩ đạo và quan điểm cũng như ý hướng của Chúa.
Hiệu quả của hành động trong Mẹ là ta được bảo vệ trước mọi quấy rối hay tấn công của ba thù. Thánh Phaolô từng viết: "Nếu Chúa ủng hộ ta, thì ai làm gì được ta?" (Rm 8:31). Ta cũng có thể nói tương tự: nếu Mẹ Maria bảo vệ ta, thì ai làm gì được ta?

142. Thế nào là hành động cho Mẹ?

Hành động cho Mẹ có nghĩa là làm mọi việc nhằm phụng sự Mẹ, làm cho mọi người nhận biết và yêu mến Mẹ để tôn vinh Mẹ. Ta nên lưu ý rằng hành động cho Mẹ, nhìn nhận Mẹ làm mục đích của mọi việc ta làm, cũng vẫn còn là một cách hành động trong Mẹ như vừa nói trên. Theo kế đồ của Thiên Chúa, lụy phục Mẹ là ta được gồm vào trong Mẹ như phương tiện gồm trong mục đích. Tất nhiên Mẹ Maria không phải là mục đích sau cùng của ta, nhưng là mục đích trực tiếp mà ý chí của ta an thỏa trong đó như trong mức cuối cùng. Song bao giờ cũng phải hiểu Mẹ sẽ đưa ta tới đích sau hết là Chúa Giêsu Con chí thánh Mẹ.
Đó là bốn cách thức ta cần noi theo trong hành động. Song không phải là cứ mỗi việc làm ta đều phải nhằm theo cả bốn cách đó. Ta chỉ cần nhằm theo một trong bốn cách ấy là đủ: bốn cách thức đó như các vòng xích liên kết với nhau, mắc vào vòng này là ta được cả ba vòng kia lôi cuốn. Cho nên không cần phải lo lắngnhắm theo cả bốn cách thức trong một việc ta làm, chỉ cần luyện tập làm theo một trong bốn cách thức: nhờ - với - trong - cho Mẹ đã đủ.

6. Thực thi lời Mẹ dạy

143. Lời Mẹ dạy ở đây hiểu thế nào?

Lời Mẹ ở đây hiểu về sứ điệp Mẹ trao cho thế giới khi hiện ra ở Fatima năm 1917. Theo các sử gia bình luận biến cố Mẹ hiện ra ở Fatima ấy, thì Fatima thiết yếu là một sứ điệp cứu rỗi, một sứ điệp cứu rỗi cấp bách. Fatima là tiếng kêu cứu nhức nhối của một người mẹ nhìn thấy lũ con mình sắp rơi xuống một vực thẳm sâu khôn dò. Như vậy, sứ điệp Fatima cũng có một tính cách thời sự nóng bỏng, một tin giờ chót quan trọng mà một người con tận hiến cho Trái Tim Mẹ không được phép không biết đến. Sứ điệp ấy chính là khát mong căn bản của Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ Maria khi hiện ra ở Fatima, gồm gói trong lời vắn tắt này:
"Nếu người ta thực thi điều Mẹ muốn, thì nhiều linh hồn sẽ được cứu rỗi, và thế giới sẽ hoa bình".
Lời đó gồm gói hai lời hứa: một về thiêng liêng (nhiều linh hồn được cứu rỗi), một về trần gian (thế giới hòa bình), và một điều kiện (nếu người ta thi hành điều Mẹ muốn). Điều Mẹ muốn đây quen gọi là ba mệnh lệnh cấp tốc: cải thiện đời sống; cầu nguyện bằng kinh Mân Côi; và tôn sùng Trái Tim Mẹ. (Xin đọc lại số 115, 116 để biết rõ tại sao mệnh lệnh Fatima có tính cách thời sự).

144. Phải cải thiện đời sống thế nào?

Sự cải thiện đời sống nói đây theo ngôn ngữ Phúc Âm, có nghĩa là sự ăn năn sám hối và hi sinh: "Nếu các người không sám hối thì các người sẽ hư đi hết . . . Nếu muốn theo Thầy, các con hãy vác thập giá mình mọi ngày mà theo" (Lc 13:5; 9:23). Như vậy, mệnh lệnh cải thiện ở Fatima cũng chỉ là lặp lại lời Phúc Âm. Mệnh lệnh này có hai phần: cải thiện đời sống và hi sinh. Cải thiện đời sống tức là từ bỏ nếp sống cũ, nếp sống mà ta đã khôngnhiều thì ít ảnh hưởng vết thương nổi loạn của thời đại (số 115), nhất là do những lỗi lầm nặng nhẹ của ta. Tình trạng đó ta không cần nhắc lại. Mỗi người hãy quì gối xuống, chắp tay lại, lục xét mọi ngóc ngách góc xó của lương tâm mình, xưng thú tội lỗi mình, nhận thật trách nhiệm sa ngã của mình. Rồi quyết tâm lột bỏ con người cũ kỹ xấu xa ấy, để xin Trái Tim Mẹ mặc cho ta một con người mới giống Chúa Giêsu bằng cách vui chịu hi sinh.
Sự hi sinh mà Trái Tim Mẹ đòi hỏi ở đây để cứu nhiều linh hồn khỏi hỏa ngục và mưu hòa bình cho thế giới chẳng có gì là khó nhọc. Theo lời Mẹ dạy Lucia, một trong ba trẻ thị kiến ở Fatima, thì sự hi sinh ấy hệ tại mỗi người tự tình sống một cuộc đời chính trực trong sự chu toàn lề luật Chúa, chu toàn bổn phận hằng ngày của mình một cách lương thiện. Điều này, Đức Thánh Cha Phaolô VI, trong Tông Hiến Poenitemini ban bố ngày 17.02.1966, cũng kêu gọi thực thi khi dạy các tín hữu vâng theo luật Chúa bằng cách vui chịu những hi sinh và thử thách đi liền với cuộc sống hằng ngày.
Mệnh lệnh cải thiện đời sống do Trái Tim Mẹ ban bố, như vậy, chẳng có gì là quá yêu sách, chỉ có việc thánh hóa đời sống hằng ngày noi theo luật Chúa là đủ. Việc đó linh hồn quảng đại tự tình tận hiến làm sở hữu của Trái Tim Mẹ, ắt phải nhìn nhận là bổn phận chủ yếu hàng đầu của mình, vì đó chính là lệ thuộc tuyệt đối vào Mẹ, vâng theo ý Mẹ hoàn toàn.

145. Mệnh lệnh cầu nguyện thế nào?

Cũng như việc cải thiện nói trên, việc cầu nguyện có nền tảng vững chắc ở Phúc Âm. Chúa Giêsu từng dạy môn đệ cách cầu nguyện (Lc 11:2) và truyền cho môn đệ phải cầu nguyện luôn mọi lúc (Lc 21:36). Thành ra mệnh lệnh cầu nguyện Mẹ Maria truyền ở Fatima cũng chẳng có gì mới lạ. Chính cách cầu nguyện Mẹ dạy cũng đã có từ lâu đời trong Hội Thánh. Đó là cầu nguyện bằng kinh Mân Côi: cả sáu lần hiện ra, Mẹ đều đòi ta phải dùng kinh Mân Côi mà cầu nguyện, và lần thứ sáu, Mẹ còn long trọng tỏ mình ra là Mẹ Rất Thánh Mân Côi. Như vậy đã rõ kinh Mân Côigiữ một địa vị trọng yếu trong mệnh lệnh Mẹ ban bố. Chúng ta không cần phải nhắc lại đây giá trị và hiệu lực của kinh đơn sơ mà dễ dàng này, mà chỉ cần chú ý hai điểm Mẹ yêu sách:

a/ Phải đọc kinh Mân Côi hằng ngày, ít là năm chục (nguyên tiếng Bồ Đào Nha, Đức Mẹ nói là "o terco", có nghĩa là một phần ba tràng hạt 150 kinh, tức một chuỗi năm chục). Ta cũng từng biết kinh Mân Côi gồm có hai yếu tố gắn liền nhau như hồn với xác, đó là đọc ngoài miệng và suy niệm mầu nhiệm cuộc đời Chúa Giêsu và Mẹ Maria đã được đề ra trong mỗi chục kinh. Nếu chỉ đọc mà không suy niệm thì chưa phải là cầu nguyện bằng kinh này. Ta cũng cần biết là lời than Mẹ dạy đọc sau mỗi chục kinh cốt ý cầu cho kẻ có tội trở về với Chúa: tiếng "linh hồn" trong câu đó có nghĩa là kẻ có tội, dos peccadores (tiếng Bồ), chứ không phải là các linh hồn Luyện Ngục như có người hiểu sai (xin coi lại số 113). Đó là nguyện vọng tối thiểu của Mẹ. Nhưng vì kinh Mân Côi là chìa khóa mở kho tàng Thiên Chúa, là búa sắt phá tan kẻ thù nghịch, nên người con tận hiến cho Mẹ hãy cố gắng đọc mỗi ngày nhiều hơn, để cầu xin Chúa ban muôn ơn cho thế gian, và cứu rỗi nhiều linh hồn.

b/ Mỗi thứ Bảy đầu tháng, hãy dành ra mười lăm phút "kết hợp với Mẹ" để suy niệm riêng về một mầu nhiệm nào đó trong mười lăm mầu nhiệm Mân Côi, không kèm theo với việc đọc kinh ngoài miệng. Chủ ý của Mẹ ở đây là cốt gợi lại hồn nội tâm của ta trong thế kỷ đầy ồn ào hỗn loạn xô bồ này. Người ta bỏ việc suy niệm Phúc Âm, nên mới không còn nhiệt thành sống đạo nữa. Kinh Mân Côi, theo lời Đức Gioan XXIII, là một cuốn Phúc Âm rút gọn; nên suy niệm và sống một mầu nhiệm Mân Côi là ta suy niệm và sống cuộc đời cứu chuộc của Chúa Giêsu và cuộc đời đồng công của Mẹ Maria, để thực sống đạo Chúa. Đó là một sự cần thiết buộc phải có để ta hưởng nhờ ơn cứu chuộc và cầu cho các tội nhân. Mỗi tháng tính ra có 43,200 phút, Mẹ chỉ xin ta có 15 phút ngắn ngủi để cùng với Mẹ suy niệm một mầu nhiệm Mân Côi. Các linh hồn đã quảng đại tận hiến cho Trái Tim Mẹ có thể bưng tai lại trước lời khẩn thiết xin nài ấy của Mẹ được không?

146. Còn mệnh lệnh tôn sùng Trái Tim Đức Mẹ?

Ở Lời Nói Đầu tập này, ta đã bàn sơ qua về việc tôn sùng Trái Tim Mẹ có một nền tảng lịch sử như thế nào. Ở Fatima, ngày 13.6.1917 Mẹ đã nói: "Chính Chúa Giêsu muốn thiết lập sự tôn sùng Trái Tim Mẹ trên khắp thế giới", vì đây là phương pháp cuối cùng Chúa muốn ban cho loài người để họ sử dụng mà hưởng nhờ ơn Cứu Chuộc. Mệnh lệnh này cũng có hai yếu tố:

a/ Tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ: ta đã biết rõ lý do của việc tận hiến này (số 49-57). Hiện giờ ta đang tìm hiểu về sự tận hiến ấy để thực thi, nên không cần phải nói thêm.

b/ Mỗi thứ Bảy đầu tháng, hãy rước lễ đền tạ những sỉ nhục, những tội ác phạm đến Trái Tim Mẹ. Tất nhiên để rước lễ nên, ta cần phải có đủ các điều kiện như giáo lý Hội Thánh dạy. Đây cũng không phải là việc mới lạ, mà thực ra Mẹ chỉ nhắc lại một truyền thống trong Hội Thánh. Thật vậy, từ đầu thế kỷ 18, cha De Clorivière (đơ Clôrivie) đã khởi xướng việc này. Ngày 13.6.1912, Đức Thánh Piô X đã ban một ơn đại xá cho những ai xưng tội rước lễ các thứ Bảy đầu tháng để đền tạ Mẹ. Ngày 9.11.1920, Đức Bênêđitô XV lại ban ơn đại xá giờ lâm chung cho những ai đã tám thứ Bảy đầu tháng làm việc trên. Ở Fatima, Mẹ hứa ban những ơn cần thiết để được chết lành cho những ai xưng tội rước lễ năm ngày thứ Bảy đầu tháng liên tiếp, kèm theo việc suy niệm mười lăm phút về Mầu Nhiệm Mân Côi đã nói trên. Song ta cũng cần biết đến những ý chỉ của Mẹ trong việc rước lễ đền tạ này. Có năm ý chỉ:

1. Đền tạ những tội phạm đến ơn Vô Nhiễm Thai của Mẹ.
2. Đền tạ những phỉ báng phạm đến Đức Trinh Khiết trọn đời của Mẹ.
3. Đền tạ những tội chối bỏ ơn làm Mẹ Thiên Chúa và Mẹ loài người của Mẹ.
4. Đền tạ những tội tước đoạt của thanh thiếu niên quyền học giáo lý.
5. Đền tạ những tội bất kính phạm đến tượng thánh của Mẹ.
Đó là hai yếu tố quan trọng trong mệnh lệnh tôn sùng Trái Tim Mẹ mà Mẹ đã ban truyền ở Fatima. Ba mệnh lệnh trên đều nhằm mục đích là loại trừ tội lỗi ra khỏi thế giới, cứu các tội nhân, sao cho mọi người từ bỏ những vết thương nổi loạn của thế giới, mưu một cuộc hoà bình lâu dài, và nhằm để Hội Thánh Chúa vinh quang.

7. Trung thành bền vững

147. Trung thành là gì?

Theo nghĩa chữ, trung thành có nghĩa là chu toàn thật đúng những điều mình đoan hứa, thủ tín điều mình thề nguyền, dầu có thế nào cũng không bỏ dở, không thất tín. Theo nghĩa trong Hội Thánh, trung thành là đức tính của một người có đức tin, có lương tâm ngay chính, quyết định làm tròn mọi lời thề hứa, mọi nghĩa vụ mình đối với Thiên Chúa, Hội Thánh và tha nhân. Trung thành với việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ ở đây, như vậy, có nghĩa là giữ vững một dạ trinh trung với tình yêu mến Trái Tim Mẹ mà ta đã tin tưởng phú thác trọn vẹn cho. Lại có nghĩa là một lòng bền vững siêu nhiên trong ơn Chúa gọi tận hiến cho Trái Tim Mẹ; theo nghĩa này thì trung thành lại đồng nghĩa với ơn bền vững đến cùng (số 110).
Trung thành là đức tính của người muốn nên thánh, và chỉ có kẻ bền vững đến cùng mới được cứu rỗi (Mt 10:22). Nếu trung thành, bền gan với việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ đến cùng, thì thật đáng ca tụng như lời Chúa Thánh Thần phán trong Thánh Kinh: "Người trung thành sẽ được nhiều ca tụng" (Cn 28:20). Thế nên, dầu có sốt sắng nhiệt thành đến đâu, nhưng thiếu lòng gan góc trung thành cho đến chết, thì việc tận hiến của ta cũng không có giá trị. Có thể nói, nếu thiếu lòng trung thành, thì lời tận hiến ta đọc cũng như tiếng trống đánh chuông kêu, chữ ta trịnh trọng ký kết vào bản tận hiến cũng như vết chân con vật đi trên cát!

148. Ta phải trung thành với những gì?

Nói sơ qua vào chi tiết, thì ta phải trung thành với những sựkiện sau:

1. Với ơn phép Rửa tội, vì việc tận hiến cho Mẹ là một cách tuyên lại lời hứa khi chịu phép Rửa (số 108). Hiệu quả của phép Rửa trước tiên là rửa sạch nguyên tội mà ta mắc phải vì là con cháu Adong; thứ đến, ban cho ta sự sống siêu nhiên (số 64) với toàn bộ của cải thiêng liêng siêu nhiên cần có để ta đáng được cứu rỗi (số 66). Về phía ta, ta còn có lời thề hứa lúc đó là từ bỏ ma quỉ và mọi sự sang trọng của nó.

2. Với huấn giới của Chúa gồm trong mười giới răn, với lề luật Chúa trong Phúc Âm, và với kỷ luật của Hội Thánh ban hành. Huấn giới và lề luật Phúc Âm là những huấn giới và lề luật vĩnh cửu, ngàn đời không thể thay đổi; còn kỷ luật Hội Thánh thì Hội Thánh có thể thay đổi, chứ ta không được phép tự tiện thay đổi theo ý mình.

3. Với đức tin truyền thống, tinh ròng, không pha lẫn một hơi hó tà thuyết nào; một đức tin mạnh mẽ, thực hành, chứ không yếu đuối, tê liệt; nhất là phải sống đức tin ấy luôn bằng việc làm (Gc 2:27), dầu có phải đổ máu, phải chết cũng sẵn sàng để bảo vệ đức tin chân thật ấy như bao đấng anh hùng tử đạo cha ông chúng ta ngày trước. Lại phải trung thành với những nhân đức từ ngàn xưa của Hội Thánh, mà có người gọi là những nhân đức thụ động, như: khiêm nhượng, bỏ mình, diệt cái tôi vĩ đại, tuân phục tuyệt đối, tiết độ, khổ chế . . . những nhân đức mà các thánh từng thực thi và Hội Thánh hằng nắm giữ. (Vì hiểu sai nên người ta mới cho đó là nhân đức thụ động, chứ thực ra đó là những nhân đức rất chủ động, vì ta thực hiện với tự do: đã có tự do là không còn thụ động nữa).

4. Với Hội Thánh Rôma, và nhất là với Đức Thánh Cha, Đấng Chúa Giêsu đã đặt để tiếp tục việc cứu thế, để cầm quyền cai trị Hội Thánh, để chăn giữ đoàn chiên Chúa. Đức Thánh Cha là Đấng Thẩm Phán tối cao, Đấng Lập Luật công chính, Đấng bảo vệ kho tàng chân lý và đức tin mặc khải, Đấng làm Thầy tối cao dạy dỗ sự chân thật với đặc ân vô ngộ khi ngự toà. Ngài là Cha Chung của toàn thể tín hữu Công Giáo, là Chúa Giêsu hữu hình hiện ở trần gian, là Đấng Lãnh Đạo tinh thần tối cao và phổ quát của toàn thếgiới. Trung thành với Đức Thánh Cha và với Tòa Thánh Rôma, đó là nhiệm vụ hàng đầu của bất cứ kitô hữu nào. Kẻ nào không trung thành với Đức Thánh Cha, hoặc muốn ly khai với Tòa Thánh Rôma, kẻ đó sớm muộn sẽ lìa bỏ Hội Thánh, liều mình đi vào những nẻo lạc đưa tới diệt vong. Người con tận hiến cho Mẹ không những phải hết sức hết lòng trung thành với Đức Thánh Cha và Tòa Thánh Rôma, mà còn cần thiết tha cầu nguyện cho Ngài và Hội Thánh, nhất là khi Ngài bị tấn công từ tứ phía. Phải có tâm hồn yêu mến Đức Thánh Cha và Hội Thánh.

5. Với những thực hành của việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ, ít là như nói trong bản giáo cương này.

6. Với các bổn phận và nghĩa vụ ta phải chu toàn tùy địa vị của ta, cũng như với đức ái ta thực thi đối với tha nhân.

7. Với các ơn Chúa soi sáng bề trong tùy nhiệm vụ theo bậc ta và tùy hoàn cảnh ta gặp.

Đó là một vài chi tiết gợi ý. Còn hằng ngày, ta phải năng hồi tâm để sống thật trung thành với một của lễ tận hiến, một sở hữu của Mẹ, không còn quyền lợi gì, song tuyệt đối tín thác, và tuyệt đối lệ thuộc Trái Tim Mẹ trong tất cả mọi sự.
149. Phải làm thế nào để trung thành bền vững?

Đây mới là chủ chốt vấn đề. Muốn trung thành bền vững ta cần chuyên chăm thực thi những việc saụ:

1. Năng suy niệm về việc tận hiến, ít là như đã nói trong bản giáo cương này. Càng suy niệm nhiều, ta càng khám phá ra những vẻ đẹp phong phú quyến dũ tâm hồn ta, giúp cho ta có một niềm thâm tín rất chắc chắn ăn chặt vào trí năng ta, và không gì có thể gột rửa đi được. Như vậy cũng mới chỉ là bước đầu. Ta còn phải làm cho sự thâm tín ấy từ trí năng đi vào ý chí ta, bện chặt cứng vào đó thành một yếu tố bất khả di dịch. Phần đông chúng ta, đối với các vấn đề siêu nhiên của đạo thánh Chúa, trong đó có việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ, nó chỉ hời hợt ở ngoài giác quan, cùng lắm là đi vào tới tình cảm, chứ chưa mấy ai để nó đi vào trí năng, bắt trínăng phải hàng phục trước ánh sáng của nó. Huống hồ lại để nó đi vào ý chí, đồng hóa với ý chí thì càng hiếm hoi hơn. Chính trí năng và ý chí mới là đèn sáng và động lực giúp ta trung thành.

2. Đó là công việc làm bên trong. Bên ngoài, ta cần phải thao luyện việc thực thi tận hiến cho Trái Tim Mẹ trở thành tập quán. Thí dụ bất cứ khi làm việc gì, gặp ngộ biến nào, dù to dù nhỏ, ta cũng tập thói quen than thở vắn tắt: "Ôi Maria, con xin tận hiến việc con làm đây cho Mẹ", hoặc: "Ôi Maria, toàn thân con đã thuộc trọn về Mẹ, xin Mẹ tùy ý sử dụng con như sở hữu của Mẹ", v . v . . . Hằng ngày cứ lập đi lập lại mãi như vậy. Rồi ngày qua ngày, tháng qua tháng, năm qua năm, tập quán đó sẽ biến thành bản tính thứ hai của ta, không sao bỏ đi được nữa, giống như một người nghiện chất ma túy. Chính tập quán đó là một yếu tố giúp ta trung thành bền vững đến cùng.

3. Thứ ba là một thực hành tâm cảm: việc tạ ơn. Có thể nói được tận hiến cho Trái Tim Mẹ là một ơn gọi đặc biệt, Chúa giấu những người khôn ngoan thông thái, mà chỉ ban cho những người bé mọn (Mt 11:25). Ai được ơn gọi này, đó là một dấu chắc chắn Chúa tiền định cho họ nên giống hình tượng Con của Chúa (Rm 8:2). Đó là một ơn tuyệt vời cao quí, ta không thể nào tạ ơn cho cùng được. Theo lời các thánh, mỗi khi được ơn Chúa ban, ta thành khẩn tạ ơn Chúa thì Chúa lại ban thêm nhiều ơn khác. Một cách tạ ơn đẹp lòng Chúa hơn cả là ta hãy nhờ Mẹ và cùng với Mẹ tạ ơn Chúa bằng bài ca "Ngợi Khen" của Mẹ. Chính sự nhớ tạ ơn Chúa này sẽ giúp ta trung thành bền vững đến cùng với ơn Chúa.

4. Việc thực thi thứ bốn là cầu nguyện. Chúa từng dạy rằng: "Ai xin sẽ được, ai tìm sẽ thấy, ai gõ cửa sẽ mở cho" (Lc 11:10). Ta hãy chuyên chăm cầu nguyện và tìm thêm thời giờ cầu nguyện. Hãy cầu nguyện trong âm thầm im lặng, để lòng ta nói với Chúa, với Mẹ, xin nài Chúa, Mẹ ban cho ta ơn trung thành với việc tận hiến đến cùng. Thánh Môngpho mách nước cho ta là hằng ngày hãy đọc một trăm lần câu: "Lạy Đức Nữ Trung Tín, xin cầu cho chúng con", chắc chắn Mẹ sẽ nhậm lời ta. Theo lời các thánh, Chúa thắng hết mọi người, chỉ chịu thua có người cầu nguyện. Tahãy bền lòng cầu nguyện nhiều, Chúa sẽ phải thua ta mà ban cho ta ơn trung thành đến cùng. Nếu có thể, mỗi năm ta phải dành ra ít ngày để tĩnh tâm cầu nguyện thêm.

5. Việc thực thi thứ năm là tác động yêu mến liên lỉ: "Giêsu Maria Giuse, con mến yêu, xin cứu rỗi các linh hồn". Đây là một lời nguyện vắn tắt mến yêu hoàn toàn nhất, vì ta tỏ lòng yêu mến cả ba Đấng từng đã mến yêu Thiên Chúa hơn hết, và cầu cho các linh hồn, cả tội nhân, cả luyện ngục. Đó là một hành vi đức ái hoàn hảo diễn tả được lòng ta yêu thương tha nhân hơn cả, vì ta mong cho họ được cứu rỗi là ơn trọng đại vô cùng. Nó gồm tóm cả hai giới răn trọng đại nhất của Lề Luật là mến Chúa yêu người (Mt 12:30-31). Lời đó lại phát tự đáy lòng ta, nên đã thực hiện được yêu sách Chúa đòi phải yêu mến Chúa hết lòng, từ đó ảnh hưởng tới cả nghị lực cả trí năng ta (Mt 22:37). Và vì bản chất lời nguyện đó là thực hiện việc mến yêu liên lỉ, nên ta lại thực thi được lời Chúa đòi phải luôn cầu nguyện (Lc 18:1). Thực thi như vậy là ta đã thực sống cuộc sống siêu nhiên nhằm làm vinh danh Chúa, thánh hóa bản thân và bền vững đến cùng. Chính Chúa Giêsu cũng phán với một linh hồn ưu tuyển: "Nguyên một lời than: 'Giêsu Maria Giuse, con mến yêu, xin cứu các linh hồn', đủ đền bồi cho nghìn lời xúc phạm. Linh hồn nào có thiện chí yêu mến Cha và muốn biến đời sống mình thành một việc yêu mến liên lỉ - tất nhiên với cả trái tim - từ thức giấc cho đến an giấc, thì Cha sẽ làm những việc phi thường cho người đó".

Linh hồn tận hiến cho Trái Tim Mẹ, theo lời thánh Gioan Kim Khẩu nói về những người vừa rước lễ, là những con sư tử mạnh mẽ thở ra lửa, và làm cho ma quỉ phải kinh hoàng. Họ tiến lên mạnh mẽ chiếm Nước Trời (Mt 11:12). Không một chướng ngại nào cản ngăn nổi họ: họ bản chất yếu đuối, nhưng lại làm được mọi sự trong Đấng bổ sức cho họ (Ph 4:13). Cho nên, với những thực thi trên, họ nhất định sẽ trung thành bền vững đến cùng với việc họ tự tình tận hiến cho Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ, cốt nhằm để Nước Mẹ huy hoàng, Nước Chúa vinh quang.

150. Việc tận hiến cho Trái Tim Đức Mẹ có đề ra trách vụ nào không?

Đây là câu hỏi và trả lời sau cùng trong tập giáo cương này. Xét tự nó, nếu ta không ngậm ý làm một việc thề nguyền, một việc tuyên khấn, thì việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ không hề buộc thành tội trọng hay tội nhẹ nào cả. Vì thế, ai thiếu sót cách nào bất cứ vì thất tín với việc tận hiến này xét vì là tận hiến, thì không phạm một lỗi nào theo nghĩa đen. Tuy nhiên, xét theo nghĩa rộng của tiếng trách vụ, thì việc tận hiến cho Trái Tim Mẹ có mang theo những trách vụ vinh dự, gồm tóm trong hai nguyên tắc thực hành sau đây:

1. Tôi đã được tận hiến hoàn toàn cho Chúa Giêsu nhờ Mẹ Maria. Vì thế, tôi không còn quyền theo ý tôi mà định đoạt điều gì về thân xác tôi, linh hồn tôi, giác quan tôi, tài năng tôi, tài sản thiêng liêng và vật chất của tôi . . . nữa. Chỉ khi nào được Mẹ Maria ưng thuận, tôi mới được làm việc định đoạt ấy.

2. Tôi đã là sở hữu của Mẹ Maria, nên Mẹ sẽ tùy ý Mẹ định đoạt mọi sự liên hệ đến tôi. Tôi chỉ còn có một việc là thưa lên lời "Này con, Xin Vâng, Ngợi khen" trong tất cả mọi sự Mẹ sẽ cùng với Chúa Giêsu Con Mẹ định đoạt về tôi mà thôi. Cần một thái độ hoàn toàn tín thác, tuyệt đối lệ thuộc vào Mẹ là đủ để ta chu toàn những trách vụ vinh dự ấy.